Tổng hợp các loại giấy in chất lượng, thông dụng trong in ấn
Chất liệu giấy in là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm in ấn. Trên thị trường hiện nay, các loại giấy in vô cùng đa dạng và phong phú, được phân biệt dựa trên những mục đích sử dụng khác nhau. Hiểu rõ về đặc điểm, tính chất của giấy in các loại sẽ giúp bạn lựa chọn được chất liệu phù hợp cho từng ấn phẩm. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến bạn các loại giấy in phổ biến trong ngành in ấn.
5 Loại giấy in có tráng phủ
Trong lĩnh vực in ấn, các loại giấy in được chia ra làm 2 loại chính, đó là giấy in có tráng phủ (coated papers) và giấy in không tráng phủ (uncoated papers). Dưới đây là 5 loại giấy in có tráng phủ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Giấy Couche – Loại giấy chuyên dùng in danh thiếp, bìa sách
Giấy Couche là một trong các loại giấy in được sử dụng phổ biến trong ngành in ấn. Đặc điểm nổi bật của loại giấy in này đó là bề mặt bóng mịn, độ sáng vừa phải, khả năng chắn sáng tốt, bám mực và hấp thụ mực tốt.
Giấy Couche thường được sử dụng để in offset các sản phẩm như: card visit, catalogue, poster, brochure, các loại tờ rơi, tờ gấp,… Các thành phẩm in ấn từ giấy Couche rất sáng và bắt mắt, độ tương phản tốt, hình ảnh sắc nét.
Giấy in Couche
Giấy Couche được phân thành 2 loại đó là:
- Giấy Couche Gloss (bóng): Bề mặt láng bóng, khả năng bắt sáng tốt, màu sắc in ấn tươi sáng. Loại giấy này được sử dụng nhiều trong máy in offset và sử dụng mực pigment UV.
- Giấy Couche Matt (mờ): Loại giấy Couche này có bề mặt mịn và mờ, thường sử dụng để in sách, tạp chí,… Thành phẩm được in ra không gây cảm giác chói mắt.
Giấy in Couche có định lượng khoảng 60gsm, 100gsm, 120gsm,… đến 350g/m2.
>>> Tham khảo ngay TOP 7 Các Loại Bút Máy Luyện Chữ Đẹp Thông Dụng Nhất
Couche Matt
Sở hữu những đặc điểm tương tự như giấy Couche nhưng giấy in Couche Matt thường có tính nghệ thuật và mềm mại hơn, ít phản xạ ánh sáng. Đặc điểm nổi bật của giấy Couche Matt đó là:
- Bề mặt giấy mịn và mờ, khi in ấn thường lâu khô hơn.
- Màu sắc in trên giấy Couche Matt đẹp và sang trọng hơn trên giấy Couche nhưng dễ bị bẩn và khó gia công hơn.
- Giá thường đắt hơn do nguồn nhập hiếm.
Giấy in Couche Matt cao cấp
Giấy in Couche Matt thường được sử dụng để in các loại tạp chí cao cấp, in sách,… với định lượng giống như giấy Couche.
Giấy Bristol – Loại giấy chuyên dùng in lịch, hộp giấy
Giấy Bristol là một trong các loại giấy in chuyên dùng trong in Offset. Cả 2 mặt giấy Bristol đều được phủ trắng, mịn láng, mang lại hiệu quả tối đa khi sử dụng. Vì mặt giấy được cán mịn nên bề mặt giấy in Bristol có độ hoàn thiện khá tốt, khả năng bám mực vừa phải. Thông thường, giấy in Bristol bao gồm nhiều lớp giấy ép lại với nhau nên trọng lượng giấy khá nặng và hơi cứng.
Giấy Bristol
Định lượng phổ biến của giấy Bristol thường từ 67gsm đến 400gsm, trong đó, giấy Bristol định lượng 300gsm và 280gsm là 2 loại thường gặp nhất. Đối với các loại giấy Bristol mỏng thường được sử dụng để in poster, catalogue, thiệp cưới, phong bì, các loại hộp giấy, card visit, phiếu bảo hành,… Còn với các loại giấy Bristol dày thường được dùng trong các bản vẽ kỹ thuật, đồ án, bản vẽ minh họa,…
Giấy Ivory
Giấy Ivory cũng là một trong các loại giấy in có tráng phủ được ứng dụng nhiều trong ngành in ấn. Loại giấy này thường sở hữu độ mịn và độ bóng cao do được xử lý qua thiết bị “siêu cán láng”. Cũng tương tự như giấy Bristol nhưng giấy Ivory chỉ tráng phủ 1 mặt, mặt còn lại trắng nhám và có độ dày cũng như độ cứng tốt hơn so với giấy Bristol.
Nhờ sở hữu bề mặt sáng bóng nên chất lượng thành phẩm in ấn cũng rất tốt. Loại giấy in này thường phù hợp cho các kỹ thuật in ấn như cắt, in nổi, gấp nếp, cắt khuôn dập,… Giấy in Ivory sở hữu độ dai, xốp nhẹ, không thấm nước và chịu được lực va đập nhẹ. Định lượng của loại giấy in này phổ biến từ 190 – 400 gsm.
Giấy in Ivory
Giấy in Ivory thường được sử dụng làm hộp đựng các sản phẩm trong ngành bao bì mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm sấy khô,… Ngoài ra còn có thể làm các loại bìa sách, bìa hồ sơ,…
Giấy Duplex
Duplex là một trong các loại giấy in cao cấp được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tráng phủ bề mặt. Giấy in này thường được phủ bóng một mặt và mặt còn lại không tráng phủ.
Đặc điểm nổi bật của giấy in Duplex đó là độ cứng và độ bền cao, khả năng giữ màu tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của loại giấy in này đó là độ bám mực không cao, có thể gây ra hiện tượng lem màu khi in ấn. Vì vậy, nếu sử dụng giấy in Duplex thì cần kết hợp với công nghệ gia công cán màng sau khi in để ấn phẩm có tính thẩm mỹ cao nhất.
Giấy in Duplex tráng phủ 1 mặt
Định lượng của giấy in Duplex phổ biến từ 180 – 500 gsm. Với các loại giấy in Duplex có định lượng lớn, độ cứng cao thì thường được sử dụng để in hộp carton cứng, bìa hồ sơ, bao thư,…
Các loại giấy in không tráng phủ
Các loại giấy in ấn không tráng phủ thường có bề mặt nhám, không láng bóng. Tùy vào độ trắng khác nhau mà giấy in không tráng phủ sẽ cho chất lượng màu sắc và hình ảnh khác nhau. Điểm khác biệt lớn nhất của các loại giấy in không tráng phủ so với giấy có tráng phủ đó là có thể viết lên trên mặt giấy bằng những loại viết thông thường.
Giấy Ford – loại giấy in A4 thông dụng
Ford là một trong các loại giấy in A4 phổ biến và thông dụng. Loại giấy in này thường được sản xuất 100% từ bột giấy với bề mặt nhám và khả năng bám mực tốt. Định lượng thông thường của giấy in Ford là 70 – 80 – 90 gms. Giấy in Ford gồm có 2 loại chính sau đây:
- Giấy Ford trắng: Loại giấy in này thường có độ trắng cao (từ 68% trở lên). Đây là loại giấy in được ứng dụng nhiều trong in ấn tài liệu văn phòng, bao thư, in sách 1 đến 2 màu,…
- Giấy Ford vàng: Loại giấy in này sở hữu độ trắng thấp (thường dưới 60%) và thường có xu hướng ngả vàng. Đây là loại giấy được sử dụng phổ biến trong việc in sách giáo khoa, sổ tay,… Giá thành của giấy in này tương đối thấp nên thường được sử dụng khá nhiều trong in ấn.
Giấy in Ford
Giấy Kraft
Giấy Kraft là loại giấy in được làm từ bột giấy hóa học của gỗ mềm và xử lý thông qua quá trình Kraft. Có 2 loại giấy Kraft thông dụng là giấy Kraft vàng và giấy Kraft trắng. Trong đó, giấy Kraft trắng thường được tẩy trắng bằng công nghệ hóa học.
Giấy in Kraft
Giấy in Kraft có tính chất dẻo dai và tương đối thô, khả năng bắt mực tốt. Định lượng phổ biến thường từ 50 – 135 gms (có thể tùy vào loại kraft đặc biệt). Loại giấy in này thường được dùng để in túi giấy, túi hàng tạp phẩm, phong bì thư, bao tải multiwall và một số đóng gói khác.
Giấy Carbonless
Giấy Carbonless là một trong các loại giấy in hóa đơn phổ biến trong ngành in ấn. Bề mặt giấy thường được phủ một lớp hóa chất với công dụng sao chép y nguyên nội dung đã viết ở tờ giấy trước lên tờ giấy sau của cuộn giấy mà không cần dùng đến giấy than (giấy tự sao in). Giấy in Carbonless gồm có 2 loại là giấy carbonless 2 liên và giấy Carbonless 3 liên. Định lượng giấy trung bình từ 50 – 55 gms.
Giấy in Carbonless
Giấy Carbonless thường được sử dụng để in các loại hóa đơn GTGT, phiếu kế toán, phiếu 2 liên, 3 liên, hóa đơn đặt hàng,… tại các siêu thị, công ty,…
Giấy in mỹ thuật
Giấy in mỹ thuật là một trong các loại giấy in cao cấp, chuyên dùng cho các ấn phẩm sang trọng. Giấy được thiết kế đa chủng loại, màu sắc, hoa văn,… mang lại điểm nổi bật cho các sản phẩm. Bề mặt giấy in mỹ thuật có thể láng mịn hoặc hơi sần, thường kết hợp với nhiều kỹ thuật như tráng ánh nhũ kim, cán gân,… tạo nhiều hiệu ứng đặc biệt. Định lượng của giấy phổ biến từ 180 – 300 gsm. Một số loại giấy in mỹ thuật thông dụng như:
- Giấy Econo 300gsm: Đây là loại giấy in danh tiếng của Nhật với độ trong suốt cao và trắng tự nhiên.
- Giấy Elica 250gsm: Sở hữu độ sáng, độ mịn và độ trắng tối ưu, được sản xuất với công nghệ cao, phù hợp với nhiều nhu cầu in ấn.
- Giấy Natural 250gsm: Đây là loại giấy in mỹ thuật với độ bền cao, tuổi thọ lên đến 20 năm. Giấy Natural được sản xuất với công nghệ cao, phù hợp để in ấn một số ấn phẩm như giấy chứng nhận, hợp đồng, bằng khen, văn bản quy phạm pháp luật,…
- Giấy Safari 270gsm: Đây là loại giấy mỹ thuật woodfree đặc biệt sở hữu độ mịn và độ trắng cao.
Giấy in mỹ thuật
Trên đây là top 9 các loại giấy in phổ biến nhất trong ngành in ấn. Hiểu rõ về đặc điểm, tính chất của từng loại giấy in này sẽ giúp bạn lựa chọn được chất liệu giấy phù hợp với từng ấn phẩm.